Đặc Sản Thanh Hoá

Đặc sản Thanh Hóa, Thanh Hoá vùng đất "địa linh nhân kiệt" không chỉ nổi tiếng về các địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh. Mà Thanh Hoá còn nổi tiếng bởi mang trên mình một nét ẩm thực rất riêng, dù đi bất cứ nơi đâu cũng sẽ làm chúng ta nhớ mãi. Có dịp đến Thanh Hoá, du khách đừng quên thưởng thức những đặc sản nơi đây và mua về làm quà cho gia đình. Hãy cùng Đặc sản chính gốc điểm qua một số gợi ý về đặc sản Thanh Hoá nhé.

1. Nem chua

nem chua thanh hoá

Cách làm nem chua

Nem chua Thanh Hoá nổi tiếng khắp cả nước, được rất nhiều du khách lựa chọn làm quà cho người thân hoặc biếu tặng. Nem Thanh Hoá có vị chua thanh, ngọt ngọt, đậm đà gia vị...  nem được làm từ phần thịt nạc heo mới mổ, trộn cùng gia vị và hành, tiêu, ớt, tỏi... gói trong lá chuối để nem chín, khi gói có thể kèm thêm lá đinh lăng hoặc lá ổi. Khi ăn nem giòn sần sật, có vị chua thanh, cay nồng của ớt tỏi tạo một cảm giác rất ngon miệng.

Tham khảo: Nem chua Bình Định

2. Nem thính nướng

nem nướng thanh hoá

Cách làm nem thịt nướng

Nem thính là loại nem nổi tiếng ở xứ Thanh. Nem được làm từ các nguyên liệu chính như thịt nạc, bì lợn, gia vị, tỏi, ớt, thính, lá đinh lăng ...Khi nem chín không ăn liền mà phải nướng trên lửa than cho cháy sém phần lá chuối tạo nên một hương vị rất đặc trưng. Nem có độ chua vừa phải, vị ngon của thịt hoà quyện cùng vị cay nồng của gia vị sẽ khiến bạn nhớ mãi không quên. Đây là một trong những đặc sản Thanh Hoá mà bạn nhất định không được bỏ qua khi đến nơi này.

3. Bánh răng bừa

bánh răng bừa

Là thức ăn sáng rất được ưa chuộng nơi đây. Bánh cũng giống như bánh nậm, bánh gói ở các nơi khác là được làm từ bột gạo, thịt bằm và nấm tai mèo băm nhỏ xong gói trong lá chuối rồi đen hấp chín. Điều đặc biệt, bánh được tạo hình giống như chiếc răng bừa nên gọi là bánh răng bừa. Du khách rất dễ dàng bắt gặp bánh ở các gánh hàng rong và giá cả rất rẻ, chần chừ gì nữa mà không nếm thử thôi nào.

4. Chả tôm

chả tôm thanh hoá

cách làm chả tôm

Là một tỉnh thuộc miền trung vốn nổi tiếng với rất nhiều loại chả cá, riêng Thanh Hoá còn nổi tiếng với chả tôm trứ danh làm hài lòng bao du khách. Nguyên liệu chính để chế biến món ăn này là tôm tươi bóc vỏ giã nhuyễn với thịt ba chỉ xay, xào cùng tiêu và hành khô, sau đó dùng bánh tráng cuốn lại rồi đem đi nướng dưới than hồng và ăn cùng rau sống. Vị ngọt thanh của tôm và thịt, kèm với vị mát, giòn của rau sống chấm cùng nước mắm pha đường, tiêu, tỏi, ớt cùng với đồ ngâm chua ngọt và ít vả… sẽ mang lại cho bạn một cảm giác thỏa mãn rất tuyệt vời. Chả tôm không những đẹp mắt, thơm ngon mà còn vô cùng bổ dưỡng. Tôm chứa nhiều đạm, thịt ba chỉ có protein kết hợp với chất xơ trong rau xanh và đu đủ, sung muối sẽ kích thích tiêu hóa và giúp bạn ăn cơm ngon miệng hơn.

5. Bánh đúc sốt

bánh đúc sốt thanh hoá

Là món ăn dung dị gắn liền với bao thế hệ tuổi thơ của người Thanh Hoá, bánh có màu xanh ngọc nổi bật của nước cốt rau ngót hoặc rau cải ăn kèm với một lớp đậu xanh hấp chín, đánh tơi bên dưới; sau đó lớp bánh đúc sốt màu xanh ngọc sóng sánh, nóng hổi trải lên trên; tiếp đến lại một lớp đỗ xanh bao trùm miệng chén và cuối cùng là vài ba miếng tóp mỡ béo ngậy, ít hành phi thơm nức mũi. Khi ăn, bánh phải còn nóng mới cảm nhận được tất cả vị ngon hoà quyện lại. Nếu có cơ hội đặt chân đến Thanh Hóa thì bạn nhất định đừng bỏ lỡ món ăn này.

6. Canh lá đắng

canh lá đắng thanh hoá

Nếu như Tây Nguyên có món cà đắng thì đến với Thanh  Hoá, bạn hãy thử nếm canh lá đắng để cảm nhận món đặc sản này nha. Lá đắng của người Thanh Hóa có vị đăng đắng, chan chát và ngọt hậu, đã từng ăn thì không thể nào quên được. Tuỳ vào từng gia đình mà người ta có thể nấu canh lá đắng với nhiều loại  thịt hoặc cá khác nhau, người Mường thường hay nấu canh cùng lòng gà, thịt gà, trong khi đó, người miền xuôi thì lại biến tấu theo nhiều kiểu hơn, có thể nấu với thịt lợn hoặc với cá, một số nấu cùng thịt bò, hoặc kết hợp nhiều nguyên liệu với nhau. Nhưng có hai nguyên liệu chính không thể thiếu đó là sả và mẻ, tạo nên hương vị riêng biệt của món canh này.

7. Bánh khoái tép

bánh khoái tép thanh hoá

Nhắc đến ẩm thực Thanh Hoá, bỏ qua bánh khoái tép là một thiếu sót đối với du khách. Bánh khoái tuy dân dã mà lại thơm ngon, nếm thử một lần du khách sẽ nhớ mãi cho mà xem. Nguyên liệu chính để làm bánh là gạo tẻ và tép đồng tươi thêm vài loại rau như rau cần, bắp cải, hành...Để bánh khoái ngon, gạo làm bột phải được chọn từ loại gạo quê để bột không bị dẻo, bánh khoái mới khô và giòn. Chảo dùng tráng bánh phải là những chiếc chảo gang sâu lòng để bánh giòn mà không bị cháy. Tép phải thực sự tươi thì bánh mới thơm bùi đúng vị. Khi ăn kèm nước mắm và dưa chua ngọt, ớt, tỏi thì ngon hết sảy.

8. Bánh gai Thọ Xuân

bánh gai thọ xuân thanh hoá

cách làm bánh gai xuân Thọ

Bánh gai Thọ Xuân là loại đặc sản mà nếu có dịp ghé đến đây, du khách đừng quên mua về làm quà cho mọi người cùng thưởng thức. Bánh được làm từ bột gạo nếp quết dẻo cùng mật mía, lá gai xắt nhuyễn tạo thành một hỗn hợp sánh mịn và thơm ngon, phần nhân bánh làm từ đậu xanh hấp chín tán mịn, dừa khô nạo nhỏ, dầu chuối.. sau đó gói bằng lá chuối khô đem hấp chín. Khi ăn bánh  có vị dẻo thơm của lá gai và gạo nếp, hương thơm của dầu chuối, vị ngọt của mật mía, mùi thơm dịu của đậu, vị ngậy của mỡ lợn, mùi thơm của vừng và lá chuối khô, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên đặc sản đáng tự hào của vùng đất Thọ Xuân.

9. Mắm cáy

mắm cáy thanh hoá

Mắm cáy được làm từ cáy, một loài cua sống chủ yếu ở vùng duyên hải. Mắm cáy nồng nồng pha chút gì đó ngai ngái nhưng càng ăn càng thấy thơm ngọt (vị nồng hơn mắm tôm rất nhiều). Mới ăn lúc đầu có vị khó ăn, nhưng ăn được rồi thì sẽ nghiện, mắm được dùng để chấm thịt và các loại rau tring bữa ăn hàng ngày.

Tham khảo: Mắm tôm chua, Mắm cá cơm, Mắm nêm

10. Rượu Chi Nê

rượu chi nê thanh hoá

Dưới thời Pháp thuộc, rượu chi nê rất được các sĩ quan Pháp và các quan lại trong triều ưa chuộng. Ngày nay rượu chi nê nổi tiếng trên cả nước và được người sành rượu truyền cho nhau. Rượu được làm từ gạo nếp và nguồn nước tinh khiết lấy từ núi đá ngầm, lên men và chưng cất theo bí quyết truyền thống tạo nên vị rượu rất riêng. Mặc dù rượu gần 40 độ, tuy nhiên khi uống ta không hề cảm thấy nóng rát mà ngược lại rất êm dịu, thơm. Cái vị cay cay, tê tê nơi đầu lưỡi dần lan tỏa làm con người ta có cảm giác lâng lâng, bay bổng, tuy say nhưng không gây cảm giác đau đầu hoặc nhức đầu.